#7: Chuyện tập viết

Huy NguyenHuy Nguyen
10 min read

Hello các bạn, tranh thủ một ngày chiều thứ 7 mát giời nên mở lap ra viết bài. Cũng 3 tuần rồi mình chưa viết, lười quá. Chủ đề hôm nay mình định viết là chính về chuyện viết luôn. Qua những trải nghiệm cá nhân, mình hi vọng nó mang lại giá trị gì đó cho các bạn.

Nỗi khổ với viết

Không biết các bạn như thế nào nhưng mình khá là sợ…viết. Hồi cấp 2 cấp 3 mình viết văn rất kém, có những lúc cảm thấy viết tốt mà vẫn điểm thấp, nên mình nghĩ không hợp với môn văn nói chung và viết nói riêng. Sang đến cấp 3 thì mình học khối A, không có môn văn nên thời gian rèn luyện văn khá ít. Đó là lí do tại sao mình được 5 điểm văn thi THPT. Tuy nhiên thời gian ấy mình cảm thấy văn không quan trọng cho lắm, “Mình theo kĩ thuật mà, văn chả quan trọng” - mình nghĩ.

Cho đến khi…. bắt đầu đi làm, mình mới trải nghiệm được những nỗi khổ thật sự khi không biết viết. Số là hồi mình đi thực tập, mình được giao một số việc liên quan đến tìm hiểu kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ, cần phải viết lại thành tài liệu và gửi cho anh lead nhận xét. Lúc ấy thực sự mình gặp khá nhiều vấn đề, nào là lủng củng, viết khó hiểu, viết nông, và tốn nhiều thời gian. Mình phải sửa đi sửa lại đến 3-4 lần mới gọi là tạm được chấp nhận. Khi viết mình cũng phải vắt óc suy nghĩ viết cái gì, viết thế nào, cứ viết được 2 câu thì lại sửa 1 câu, thành ra làm mất thời gian nhưng vẫn không tốt.

Chuyện còn gặp nhiều hơn khi mình làm việc với khách hàng, có những lúc làm việc qua mail liên tục, hay phải viết báo cáo, tài liệu để trao đổi với khách, mình cũng tốn rất nhiều thời gian. Những thứ như này càng phải chỉn chu và cẩn trọng, phải truyền tải được nội dung giao tiếp đến cho người khác. Đến lúc có chatGPT thì đời bớt khổ hơn tí, tuy nhiên công cụ cũng chỉ giúp được phần nào chứ không hoàn toàn được. Lấy ví dụ trong cuộc họp cần phải có báo cáo lại nội dung thì đương nhiên phải giấy trắng mực đen rồi.

Tại sao bạn nên viết

Hehe, vậy là rõ ràng rồi, viết để giải quyết nỗi khổ của chính mình gặp phải (như vấn đề của mình ở trên). Nhưng ngoài ra còn gì khác không? Theo cá nhân mình có vài lí do mà mình tin rằng viết rất quan trọng

Viết là công cụ rèn luyện tư duy

Chính xác, mình thường hay viết để ngẫm lại những gì mình học. Có khi nào mà bạn nghĩ đủ thứ trong đầu, nghĩ là đã hiểu nhưng khi đặt bút xuống thì tất cả suy nghĩ đó lại… biến mất không. Đơn giản là vì suy nghĩ trong đồng vốn dĩ nó là 1 mớ bòng bong, nó không tuyến tính, các mạch suy nghĩ nó không nối liền nhau mà nó liên kết như một mạng nhện vậy. Trong khi viết lại khác, viết theo một cấu trúc và nó theo một mạch từ trên xuống dưới. Do vậy mà viết cần đảm bảo tính mạch lạc là vì vậy, nếu nó cũng lộn xộn như suy nghĩ của ta thì người khác sẽ rất khó nắm bắt được nội dung.

Want to think better? Write more. - THINKERS Notebook

Trong khi viết thì mình nghĩ rất nhiều, lúc học một kiến thức mới, khi đặt bút xuống mình mới cảm thấy thiếu xót cái gì. Nghĩ một đằng, viết một nẻo mà :D. Nhưng lúc bạn viết, bạn buộc phải sắp xếp ý nghĩ của mình theo trình tự logic và hợp lí. Bạn giờ đóng vai trò là người đọc chứ không phải người viết nữa. Khi đặt dưới góc nhìn khác mình mới thấy được những lỗi sai và thiếu sót trong lập luận và tư duy của mình. Đây chính là lúc bạn phải đọc lại, học lại, xem đã đúng hay chưa, kiến thức học được mới biến thành của mình. Vì thế nên là thời gian viết thì ít nhưng thời gian viết thì nhanh nhưng thời gian sửa (kèm thời gian đọc thêm ngoài, thời gian tìm hiểu) rất lâu.

Một điều nữa là khi viết đủ tốt thì có thể nhận ra được những lỗi lập luận khi đọc bài người khác. Mình thấy rằng từ khi mình viết cho đến giờ, mình có cảm giác nhạy cảm hơn với đọc. Chẳng hạn khi mình đọc tài liệu của bạn junior để đưa ra góp ý, mình nhận xét được khách quan và chính xác hơn, biết chỗ nào cần phải sửa.

Lúc bạn viết, cũng chính là lúc bạn học.

AI không thay thế được chuyện viết

Mấy năm nay GenAI ra đời nhiều vô kể, các công cụ hỗ trợ người dùng (có cả mình) rất nhiều trong chuyện viết. Chẳng hạn viết 1 cái email, hay một bài báo cáo, hay kể cả sửa bài. Thành ra là đôi khi mình khá ỷ lại và lười hơn trong chuyện viết. Tuy nhiên là AI chưa đủ tốt để ra những bài viết tốt, đặc biệt là nhiều nội dung được sinh ra rất na ná giống nhau, không có tính “con người”. Trong thời kì mà người ta ngày càng cảm thấy bội thực bởi nội dung được sinh ra bởi AI thì họ lại hướng tới những bài viết mang tính cá nhân nhiều hơn, điều mà bot chưa thể làm được. Mình cũng rất thích đọc những bài đọc của cá nhân, cả ngắn cả dài, vì nó có suy nghĩ cá nhân và trải nghiệm của họ, những điều đó mình mới thấy thực đáng để đọc.

Nên bắt đầu viết như thế nào

Phần này hồi đầu tập viết mình cũng khá trăn trở. Mình cũng tham gia 1 khoá học viết tầm mấy năm trước nhưng mình vẫn quá lười để bắt đầu, haha. Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân khi mình bắt đầu tập viết.

Xác định rõ mục tiêu viết của mình

Điều này cực kì quan trọng, trước khi viết bạn phải suy nghĩ về nội dung chủ đề bạn muốn truyền tải là gì, bạn định hướng đến ai, bạn muốn nhận lại điều gì. Những thông tin này dùng để định hình được mục tiêu của bạn, văn phong bạn sẽ triển khai. Hồi mới đầu mình viết rất lan man và thiếu logic, viết ngắn viết dài nhưng đọc lại chưa hiểu mình định truyền tải điều gì. Vì vậy trước khi đặt bút, bạn có thể gạch ra các ý mục tiêu như mình nói ở trên, để tiết kiệm thời gian và công sức. Chuyện này cũng giống như giao tiếp vậy, phải hiểu rõ người mình đang nói chuyện là ai, thân hay không thân, là sếp là bạn bè hay đồng nghiệp,..họ có kiến thức về cái mình nói hay không. Chẳng hạn mình không thể nói chuyện lập trình với bố mẹ mình được, vì họ đâu có hiểu :D.

Theo dõi và đọc bài những người bạn thích đọc

Hồi mới đầu mình viết, mình rất khổ sở khi không biết nên triển khai ý tưởng như thế nào. Vì mình có cái gì trong đầu đâu, mình đâu có biết các cách tiếp cận, viết chia đoạn ra sao, viết nghiêm túc hay hài hước,…Mình đọc được trên mạng từ những tiểu thuyết gia là: muốn viết tốt thì phải đọc nhiều. Đọc chính là cái nguồn nguyên liệu đầu vào để bạn sản xuất ra bài viết.

Mình hay đọc blog trên nền tảng Substack, ở trên này có nhiều tác giả mình thấy rất thích thú và muốn học hỏi. Ví dụ mình thích phong cách kể chuyện của tác giả Tuấn Mon hay Hồ Quốc Tuấn,…, thế thì mình chỉ việc đọc, nghiên cứu cách tác giả ấy viết và truyền tải ý tưởng như thế nào tới bạn đọc. Bạn hãy chọn ra tầm 3-5 tác giả bạn thấy thích, rồi bắt chước văn phong của họ. Viết đủ nhiều để quen được luồng suy nghĩ rồi dần dần bạn sẽ tự hình thành được phong cách của bạn.

Khi mới bắt đầu, đừng ngại copy người khác.

Hãy cứ đặt bút, đừng do dự

Mình khuyên bạn là đừng do dự là bạn viết có hay hay không, hay người đọc có hiểu bạn muốn gì hay không, bạn hãy cứ đặt bút. Trước tiên thì bạn hãy lập dàn ý nội dung bạn định viết (dạng outline), để tránh lan man, mất thời gian. Sau đó bạn cứ viết một mạch theo từng đoạn rồi hẵng sửa. Có một sai lầm ngày trước mình hay mắc lúc ban đầu là mình cứ viết 1 câu rồi đọc lại để sửa, việc này rất mất thời gian. Thứ nhất là bị ngắt mạch suy nghĩ vì phải chuyển từ góc nhìn người viết sang góc nhìn người đọc; thứ 2 là một câu văn chưa đủ dài để mình nhận định được nó ok hay không. Có những câu chữ phải đặt trong cả một bối cảnh nó mới làm rõ được ý nghĩa. Vì thế mà mình thấy, bạn hãy viết một mạch dài hết một đoạn, sau đó đọc lại để sửa, như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều. Bạn chưa cần phải hay, lần viết đầu bao giờ cũng thiết sót, làm đẹp làm mịn hãy để dành cho lần 2 lần 3.

Viết một mạch, đừng cản trở mạch suy nghĩ của bạn. Hãy đọc và sửa lại khi bạn làm xong.

Tính tiếp diễn và chân thật

Đây là 2 khái niệm mình thấy rất thú vị khi mình tham gia khoá học viết. Mình không nhớ nguyên văn nguồn nó từ đầu, chỉ nhớ nó rất hiệu quả khi mình áp dụng.

Tính tiếp diễn

Tính tiếp diễn là khi bạn đọc bài người khác, bạn có suy nghĩ riêng cho bản thân mình. Hoặc bạn tranh luận, hoặc bạn đồng tình, hoặc bạn rút ra điều gì đó. Mà những cái này nó lại xuất phát từ suy nghĩ của người viết. Cái tính tiếp diễn này nó sẽ không có ở những bài kiến thức nhé, nếu bạn định viết về kiến thức không, thì bạn không cần quan tâm, nhưng nếu bạn muốn thu hút người đọc hơn, thì bạn có thể thêm kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của cá nhân.

Tính chân thật

Đây là điều cực kì quan trọng khi viết bài! Tính chân thật là người thật, việc thật, bạn truyền tải thông tin đúng sự thật. Những nội dung bạn chia sẻ, nhất là kiến thức, thì bạn phải tìm tòi kiểm nghiệm trước khi bạn đưa nó vào bài viết. Bài viết sẽ không thể thu hút người đọc (thậm chí nhận lại sự tiêu cực), nếu bạn chém gió những cái bạn chưa thử chưa làm, dẫn nguồn không chính xác. Chưa kể, khi bạn chia sẻ những trải nghiệm kiến thức của bạn thì nó mới có độ “sâu” và “cá nhân” trong bài viết. Chính những điều đấy mới khiến độc giả tiếp tục đọc bài của bạn.

Lòng tin của độc giả vô cùng quan trọng. Họ sẽ cảm nhận được liệu bạn có “thật” hay không.

Một số tip nhỏ

Có một số tip nhỏ có thể khiến bài đọc của bạn tốt hơn:

  • Nhất quán với một phong cách bạn hướng tới với 1 nội dung cụ thể. Ban đầu bạn cứ thử nghiệm nhiều cách viết xem cách nào hợp với bạn, khi bạn chọn được cách viết ưng ý rồi thì cứ tiếp tục như vậy. Dần dần nó sẽ định hình tính cá nhân trong bài viết.

  • Chăm chút phần mở đầu và kết luận. Thường khi mình đọc bài mình hay đọc tiêu đề, phần tldr (là phần tóm tắt) và phần kết luộn. Nếu mình cảm thấy không thích, mình sẽ không đọc luôn. Những phần này sẽ cho độc giả biết bạn định nói gì với họ, tiết kiệm thời gian cho người đọc.

  • Hãy highlight cho phần cần nhấn mạnh.

  • Chia nhỏ nội dung thành nhiều phần, để người đọc dễ theo dõi nội dung.


Cảm ơn các bạn đã theo dõi mình, chúc các bạn cuối tuần vui vẻ, hẹn gặp lại các bạn trong bài tiếp theo.

1
Subscribe to my newsletter

Read articles from Huy Nguyen directly inside your inbox. Subscribe to the newsletter, and don't miss out.

Written by

Huy Nguyen
Huy Nguyen

I am a software engineer with 4 years of experience in developing web applications. My expertise lies in backend development, and I have a deep interest in problem-solving, algorithms, system design, and databases. I am always eager to learn and embrace challenging projects, striving to deliver applications that exceed user expectations. I also love sharing my knowledge and learning from others to foster mutual growth and improvement